Lịch sử Phường 1, Vũng Tàu

Lịch sử phường 1 gắn liền với quá trình di dân mở cõi của người Việt tại Vũng Tàu. Từ thế kỷ 13, vùng đất này nằm trong khu vực có tên gọi trấn Chân Bồ, ở biên giới nước Chân Lạp với Chiêm Thành. Từ các thế kỷ 16, 17, vì chiến tranh, nội loạn liên miên, người Việt từ các vùng Thuận - Quảng đã bỏ xứ phiêu bạt vào miền Nam sinh sống, trong đó có vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và trấn Chân Bồ.

Sau khi thống nhất nước nhà và lập ra triều Nguyễn, Hoàng đế Gia Long đã lập ba "thuyền" (làng) Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam trên bán đảo Vũng Tàu để trấn giữ, canh phòng và tiễu trừ cướp biển trên đoạn cửa sông Sài Gòn. Theo miêu tả trong Địa bạ triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu, khu vực phường 1 hiện nay nằm trên địa bàn làng Thắng Tam cũ (có vị trí bao gồm toàn bộ khu vực phường 1, 2, 4, 8, Thắng Tam, Nguyễn An Ninh).

Triều đình cũng nhiều đồn luỹ quân sự phòng thủ, trong đó pháo đài Phước Thắng xây dựng năm Minh Mệnh thứ 7 (1839) nằm ngay trên sườn núi gần hòn Ngoạ Ngưu là đồn thủ chính có nhiệm vụ phối hợp với các thành luỹ bên Cần Giờ và dọc theo sông Lòng Tàu.[4]

Sau khi xâm chiếm thành công Lục tỉnh Nam Kỳ, người Pháp đã phát triển Vũng Tàu thành đô thị nghỉ dưỡng và phòng thủ chiến lược cho Sài Gòn, đặt tên là Cap Saint Jacques. Theo quy hoạch ban đầu, người Pháp đặt trung tâm đô thị mới ở dọc theo Bãi Trước, bao gồm Toà thị chính (Hôtel-de-Ville), khách sạn Grand và Bưu điện Cap Saint Jacques. Năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer cho xây dựng toà Bạch Dinh (Villa Blanche) ngay trên nền pháo đài Phước Thắng cũ và hàng chục dinh thự ở khu vực Bãi Trước làm nơi giải trí, nghỉ ngơi cho quan chức thuộc địa và của Nam Kỳ.

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, địa bàn phường 1 hiện nay thuộc xã Vũng Tàu, quận Vũng Tàu, tỉnh Phước Tuy. Các khách sạn và nhà nghỉ ở khu Lam Sơn trở thành các dinh thự nghỉ mát cho quan chức chính quyền Sài Gòn. Nhiều quán bar phía đường Lý Thường Kiệt và đường Quang Trung được mở ra phục vụ cho binh lính ngoại quốc trú đóng ở Vũng Tàu.

Ngày 30 tháng 3 năm 1965, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 55/SL-NV chia địa phận thị xã Vũng Tàu thành nhiều khu phố. Đến ngày 22 tháng 8 năm 1972, Tổng trưởng Nội vụ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lại ban hành Nghị định số 553-BNV/HCĐP/NÐ, đổi các danh xưng "khu phố" của thị xã thành phường. Theo đó, khu phố Vũng Tàu trở thành phường Vũng Tàu.

Sau năm 1975, Vũng Tàu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 30 tháng 5 năm 1979, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập[5], phường Châu Thành (đổi tên từ phường Vũng Tàu) trực thuộc đặc khu này.

Ngày 14 tháng 5 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 58-HĐBT[1]. Theo đó:

  • Sáp nhập 4 tổ dân phố với 633 người của phường Thắng Tam vào phường Châu Thành.
  • Chia phường Châu Thành thành 2 phường lấy tên là Phường 1 và Phường 4. Địa bàn phường 1 khi ấy kéo dài đến một nửa mặt Tây của Núi Nhỏ.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo giải thể[6], Phường 1 trực thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đường Lê Lai tại góc đường Bacu & Lê Lai nhìn về phía Tây

Tòa thị chính cũ bị phá dỡ do quá cũ nát, thay bằng Nhà thiếu nhi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trường Trung học cơ sở Châu Thành được di dời sang cơ sở cũ của trường chuyên Lê Quý Đôn.

Năm 2006, thành phố tổ chức Lễ hội festival biển.

Thập niên 2010, các khu đất trống được chỉnh trang thành 2 công viên Quang Trung và Lê Quý Đôn.

Ngày 24 tháng 12 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 212/2004/NĐ-CP[3]. Theo đó, điều chỉnh 127,78 ha diện tích tự nhiên và 712 người của Phường 1 về Phường 2 quản lý. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Phường 1 còn lại 137,04 ha diện tích tự nhiên với ranh giới như hiện nay.